Tích cực quảng bá, bảo tồn thương hiệu mắm tép Gia Viễn

Ngày đăng: 07/01/2021

Nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu mắm tép

Chị Trần Thị Trang, chủ cơ sở chế biến mắm tép Trang Quyết, số 68 phố Me, thị trấn Me, là cơ sở sản xuất tư nhân đã xây dựng thành công thương hiệu cho món đặc sản mắm tép quê hương. Chị Trang chia sẻ, chị sinh ra và lớn lên tại quê hương có truyền thống làm mắm tép xã Gia Trung, nên từ nhỏ đã theo bà, theo mẹ đi riu tép và học cách làm mắm. 

Vào thời điểm tháng 10 âm lịch, khi thời tiết bắt heo may, nhiều người dân Gia Trung lại chuẩn bị riu, rổ rá ra dòng sông Nghệ, sông Hoàng Long khu vực xã Gia Trung, hoặc có khi phải đi dăm bảy cây số ra tận sông Chòm, thuộc xã Gia Phong để riu tép. 

Tép riu được ở sông rất ngon, có màu đen hoặc đỏ, già tép, đanh, mẩy như hạt chanh sẽ cho chất lượng mắm đỏ, ngon, ngọt. Từ sản phẩm tép riu được, người nông dân nghĩ cách giữ nguồn thực phẩm này bằng cách làm mắm ăn dần. Từ đó, món mắm tép gắn bó chặt chẽ với đời sống người dân, như nét đặc trưng văn hóa ẩm thực của đất và người Gia Viễn. 

Trăn trở muốn phát triển và bảo tồn mắm tép quê hương, năm 2005, chị Trang quảng bá sản phẩm trên chai lọ mắm tép của gia đình bằng nhãn mác "Đặc sản Gia Viễn". Từ đó, nhiều người biết đến Gia Viễn với đặc sản là mắm tép. Đến nay, gia đình chị Trang đã xây dựng thành công thương hiệu mắm tép của gia đình và đăng ký thành công chỉ dẫn địa lý cho cơ sở sản xuất mắm tép Trang Quyết.

Hiện mỗi năm, cơ sở sản xuất Trang Quyết bán hàng nghìn lít mắm tép, cho doanh thu 4 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 15 lao động địa phương, với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm mắm tép Trang Quyết luôn là đại diện cho huyện Gia Viễn tham gia các hội chợ, triển lãm, khu nghỉ dưỡng, trưng bày tại các gian hàng nông nghiệp tại các sự kiện lớn trong tỉnh và toàn quốc...

Đưa thương hiệu mắm tép Gia Viễn vươn mình toàn quốc

Từ lâu đời nay, hầu hết các hộ nông dân Gia Viễn đều sản xuất được mắm tép để ăn trong gia đình và làm quà biếu, không mang tính kinh doanh. Sản phẩm mắm tép do người dân tự làm tại hộ gia đình, tự tiêu thụ, nên quy mô, hình thức sản xuất còn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ. 

Trong các thập niên gần đây, do nhu cầu phát triển của thị trường, trên 20 hộ gia đình và các cơ sở sản xuất, kinh doanh mắm tép hình thành và phát triển, tập trung chủ yếu ở các xã Gia Trung, Gia Lạc, Gia Minh, Gia Phong, Gia Thịnh, Liên Sơn và thị trấn Me. Đã có nhiều cơ sở sản xuất mắm tép được áp dụng quy trình mới, chú trọng đến chất lượng, được Sở Y tế Ninh Bình công nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; được chọn trưng bày thường xuyên tại các gian hàng nông nghiệp, triển lãm, trạm dừng nghỉ để giới thiệu sản vật quê với du khách.

 Đặc biệt, mắm tép Gia Viễn đã được tổ chức JICA (Nhật Bản) biết đến (năm 2011, chủ cơ sở Trang Quyết được tổ chức JICA mời sang thăm các làng nghề ở Nhật Bản thăm quan, học hỏi cách tổ chức sản xuất, kinh doanh và được đặt mua 4 - 5 tấn mắm tép mỗi năm). Đồng thời, mắm tép Gia Viễn đã được ghi danh trong danh mục món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. 

Bà Phạm Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Viễn cho biết: Nhận thức rõ ý nghĩa của loại hình văn hóa ẩm thực mắm tép độc đáo quê hương Gia Viễn trong tiến trình phát triển kinh tế, du lịch của huyện, đồng thời duy trì, giữ gìn và nhân rộng sản phẩm đặc trưng của huyện, Hội Nông dân huyện Gia Viễn đã xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể "Gia Viễn - Ninh Bình Mắm tép - Shrimp Sauce", hình con tép từ năm 2017; xây dựng được chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mắm tép Gia Viễn, nhằm phát triển tiềm năng tài nguyên trên địa bàn, phục vụ nhu cầu sử dụng sản phẩm của du khách. 

Hội Nông dân huyện phối hợp với Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ kinh phí để các hộ sản xuất mắm tép mua vật liệu sản xuất, xây dựng các khu sản xuất, hỗ trợ tem nhãn, chai đựng cho các hộ kinh doanh tại thị trấn Me. Tổ chức các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật về phương thức, kỹ thuật làm mắm cho các hộ dân. 

Hội cũng chọn những hộ đã đăng ký nhãn mác thương hiệu mắm tép cá thể đưa đi trưng bày tại các hội chợ, các cửa hàng nông sản sạch trong và ngoài tỉnh. Trung bình các hộ vừa sản xuất vừa bán được khoảng chục tấn/năm, giá bán dao động từ 200 nghìn đồng/lít trở lên, tùy theo loại thường hay hảo hạng. Nghề sản xuất mắm tép đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ theo nghề, đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương.

Để tiếp tục phát triển và bảo tồn thương hiệu Mắm tép Gia Viễn, thời gian tới, Hội Nông dân huyện đang xây dựng các tổ hợp tác làm mắm tép trong toàn huyện. Hình thành vùng nuôi tép tập trung, đảm bảo chất lượng, nguồn tép sạch, cung ứng cho thị trường sản xuất quy mô lớn. Tuyên truyền để mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm mắm tép Gia Viễn ở trong nước và quốc tế...

×